Cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa xuân
2022-04-28 15:25:00.0
UBND phường Thắng Lợi đã ban hành hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ một số sâu bệnh hại chính trong giai đoạn hiện nay, như việc Chăm sóc lúa xuân. Hiện nay cây lúa sinh trưởng trên đồng gặp một số vấn đề làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển như: cây chuyển giai đoạn sinh trưởng và lượng dinh dưỡng cung cấp đã dần hết; chân ruộng bị chua (đã nhiều vụ canh tác không bón vôi); bị khô cạn lâu ngày, có dại lấn áp, ít được chăm sóc; điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột làm lá bị táp; một số đối tượng sâu bệnh hại đã xuất hiện và gây hại.
Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt cần thường xuyên thăm đồng kiểm tra và có biện pháp chăm sóc kịp thời, phù hợp theo giai đoạn sinh trưởng, trong thời điểm này cần chăm sóc như sau:
- Bón phân kịp thời để cây lúa phân hóa đòng tốt là khi có 20% dảnh cái thắt eo đầu lá (còn gọi là cứt dán)
- Duy trì mực nước 3-5cm trên mặt ruộng và vệ sinh đồng ruộng lúa sạch sẽ, thông thoáng. Ưu tiên biện pháp làm cỏ bằng cào cỏ, nhất là với diện tích lúa bị vàng nhiều.
- Kịp thời phát hiện và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa.
Phòng trừ sâu bệnh
Bệnh Đạo ôn
Hiện bệnh đã xuất hiện và có xu thế gây hại tăng. Đặc biệt lưu ý các ruộng lúa xanh tốt, cấy dày; các ruộng cấy giống mẫn cảm với bệnh như lúa nếp, lúa BC15; lúa TBR225, J02 ….
Biện pháp phòng trừ hiệu quả là:
- Bón phân cân đối, không bón đạm riêng lẻ và phân chuồng tươi.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện bệnh, nhất là vào các thời điểm trong và sau khi điều kiện thời tiết âm u, ẩm, có mưa nhỏ.
- Khi có bệnh xâm nhập phải giữ mực nước trên ruộng từ 3-5cm; ngừng bón đạm và phân bón qua lá, các chất kích thích sinh trưởng. Tiến hành phun thuốc phòng, trừ kịp thời khi có từ 5% tỉ lệ lá bị hại trở lên, sau phun thuốc 3-5 ngày cần kiểm tra lại.
+ Nếu bệnh ngừng, tiến hành chăm bón bình thường.
+ Nếu bệnh không khỏi, xuất hiện vết bệnh mới cần tiến hành phun lại.
- Với các ruộng lúa đã bị bệnh đạo ôn trên lá, thời điểm lúa trỗ bông cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông vào thời điểm trước và sau khi lúa trỗ bông.
Tiến hành phun thuốc phòng, trừ kịp thời khi có từ 5% tỉ lệ lá bị hại trở lên. Phun bằng một trong các loại thuốc sau: Fu-Army 40EC; Fuji - One 40EC; 40WP; Kabim 30WP; Beam 75WP; Katana 20SC; Filia 525SE.
- Bệnh Khô vằn:
Hiện nay bệnh đã bắt đầu gây hại, tập trung ở các ruộng lúa xanh tốt, cấy dày, bón phân chuồng tươi và bón phân đạm không cân đối, giống có thân lá phát triển mạnh….
Biện pháp phòng trừ hiệu quả là:
- Không bón phân đạm muộn và riêng lẻ, phân chuồng tươi. Đặc biệt khi phát hiện thấy bệnh phải ngừng bón các loại phân để xử lý bệnh, bệnh khỏi mới tiếp tục chăm sóc bằng các loại phân bón như bình thường.
- Phun thuốc trừ bệnh sớm ở những ruộng có từ 10% số dảnh bị bệnh trở lên. Phun bằng một trong các loại thuốc sau: Tilt super 300EC; Vanicide 3SL, 5SL; Validacin 10WP; Amistar top 325SC; Avinduc 50SC. Với các diện tích bị nặng cần vơ bớt các lá già, hại nặng ở dưới gốc để ruộng thông thoáng rồi phun thuốc để tăng hiệu quả phòng trừ.
- Sâu đục thân cú mèo:
Hiện nay trên đồng lúa rải rác có ruộng một vài dảnh lúa bị héo và vàng do sâu đục thân cú mèo gây hại. Sâu ở nhiều giai đoạn sinh trưởng và đặc điểm của sâu đục thân cú mèo là để trứng trong bẹ lá nên sâu non nở ra nằm trong bẹ lá do đó biện pháp phun thuốc để trừ mang lại hiệu quả không cao. Không nên dùng thuốc trừ sâu để phun khi cây lúa còn nhỏ hoặc đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ vì lúc này lúa vẫn có khả năng đẻ thêm nhánh để bù vào các nhánh bị sâu phá hoại, đồng thời khi phun thuốc như vậy sẽ giết chết các thiên địch của sâu đục thân.
Vậy biện pháp hiệu quả nhất là cắt các dảnh héo hoặc nhổ cả khóm lúa bị sâu hại mang về tiêu hủy.
Chuột hại
Hiện nay chuột đã gây hại ở hầu hết các cánh đồng, gây hại thành chòm, điểm trên ruộng lúa. Dự báo thời gian tới cây lúa chuyển sang giai đoạn đứng cái-làm đòng, chuột sẽ gây hại tăng và làm ảnh hưởng nặng đến năng suất cây lúa, do đó cần có những biện pháp tăng cường trong diệt trừ chuột:
- Phát quang bờ bụi xung quang cánh đồng, ruộng lúa.
- Phá vỡ các hang, ổ để diệt chuột.
- Giữ mực nước cao thích hợp vào giai đoạn lúa đòng - trổ để hạn chế chuột hại hoặc làm tổ ven bờ.
- Dùng bẫy, bả sinh học đặt ở nối đi và cửa hang chuột để diệt chuột (nếu dùng bả cần làm mồi dụ không có thuốc trước, hôm sau mới tẩm thuốc, ưu tiên sử dụng bả sinh học).
- Thuốc hóa học: Có thể dùng các loại thuốc như Racumin, Killrat, Ratkill...trộn với thức ăn chuột ưa thích như thóc ủ mầm, gạo rang, bắp, tôm, cua… làm bả diệt chuột (những thuốc đã làm thành bả sẵn thì không cần trộn mồi). Bả nên đặt vào chiều tối trên những tấm lá, giấy nhựa và hôm sau phải thu dọn sạch sẽ.
* Lưu ý:
Lưu ý: Sử dụng thuốc BVTV, phân bón theo hướng dẫn trên bao bì.
Thuốc hóa học trừ chuột rất độc nên khi dùng phải thông báo, cắm bảng cho mọi người trong vùng biết, kiểm tra quản lý bả chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và môi trường.
UBND phường Thắng Lợi đề nghị hội nông dân phường, các ông bà Tổ trưởng TDP thông báo rộng rãi đến bà con nhân dân để bà con nhân dân biết và chủ động bám sát đồng ruộng. Có những biện pháp phun phòng trừ kịp thời khi có sâu bệnh hại xảy ra./.